Ngày nay, vấn đề ô nhiễm nhựa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng và doanh nghiệp đều đang tìm kiếm các giải pháp thay thế nhựa truyền thống, dẫn đến sự xuất hiện của các loại nhựa “thân thiện môi trường” như nhựa tự hủy và nhựa phân hủy sinh học. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng. S4N sẽ giúp bạn làm sáng tỏ vấn đề này.

Nội dung chính
Nhựa phân hủy sinh học (Biodegradable plastics)
Định nghĩa
Nhựa phân hủy sinh học là loại nhựa có khả năng phân hủy thành các chất tự nhiên như CO2, nước và sinh khối nhờ tác động của vi sinh vật (vi khuẩn, nấm) trong một khoảng thời gian nhất định.
Cơ chế phân hủy
Vi sinh vật sử dụng nhựa làm thức ăn, phá vỡ cấu trúc polymer phức tạp thành các phân tử đơn giản hơn.
Điều kiện phân hủy
Quá trình phân hủy sinh học đòi hỏi các điều kiện nhất định như:
- Sự hiện diện của vi sinh vật phù hợp.
- Độ ẩm thích hợp.
- Nhiệt độ phù hợp.
- Oxy (trong một số trường hợp).
Thời gian phân hủy
Thời gian phân hủy của nhựa phân hủy sinh học rất khác nhau, phụ thuộc vào loại nhựa, điều kiện môi trường và sự có mặt của vi sinh vật. Một số loại có thể phân hủy ngắn trong vài tháng, trong khi những loại khác có thể mất vài năm.
Ứng dụng
Được sử dụng rộng rãi trong:
- Bao bì thực phẩm.
- Màng phủ nông nghiệp.
- Sản phẩm y tế.
- Đồ dùng một lần (dao, thìa, dĩa).

Ưu điểm nổi bật
Nhựa phân hủy sinh học không để lại vi nhựa gây hại cho môi trường, có thành phần tự nhiên, an toàn và thân thiện. Đây được coi là một giải pháp rất thiết thực để bảo vệ môi trường, giúp thay thế những sản phẩm nhựa dẻo gây hại truyền thống.
Để đảm bảo tính “xanh” minh bạch của sản phẩm, hãy tìm kiếm và kiểm tra các chứng nhận uy tín như các chứng nhận xanh của TUV Austria (OK Compost Industríal, OK Bio-based,..), EN 13432 (Châu Âu) hoặc ASTM D6400 (Hoa Kỳ), kiểm định bởi Biodegradable Products Institute (BPI).
Nhựa tự hủy (Oxo-degradable plastics)
Định nghĩa
Nhựa tự hủy là nhựa thông thường (PE, PP,…) được thêm vào các chất phụ gia (thường là muối kim loại) để đẩy nhanh quá trình phân rã thành các mảnh nhỏ hơn dưới tác động của oxy, tia UV (ánh sáng mặt trời) và nhiệt độ.
Cơ chế phân hủy (thực chất là phân rã)
Chất phụ gia thúc đẩy quá trình oxy hóa, làm gãy các chuỗi polymer dài thành các đoạn ngắn hơn, khiến nhựa trở nên giòn và vỡ ra thành các mảnh nhỏ li ti gọi là vi nhựa.
Điều kiện “phân hủy”
Quá trình “phân hủy” của nhựa tự hủy cần:
- Oxy.
- Tia UV (ánh sáng mặt trời).
- Nhiệt độ.
Sản phẩm cuối cùng: Vi nhựa
Điều đáng lo ngại nhất là nhựa tự hủy không thực sự phân hủy sinh học. Các mảnh nhựa nhỏ được tạo ra (vi nhựa) không bị vi sinh vật tiêu thụ hoàn toàn và tồn tại rất lâu trong môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy vi nhựa có thể gây hại cho sinh vật, có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn và gây nguy hiểm cho con người.

Thực trạng và tác hại khôn lường
Hiện nay ở Việt Nam, các sản phẩm nhựa tự hủy vẫn được bày bán rộng rãi và phổ biến. Nhiều người tiêu dùng, thậm chí một số doanh nghiệp đang tin rằng, sản phẩm tự hủy sinh học là một giải pháp xanh, bảo vệ thiên nhiên. Trên thực tế, nhựa tự hủy Oxo đang khiến cho vấn đề môi trường ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể:
- Gây ô nhiễm vi nhựa: Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật.
- Không thể ủ phân (compost): Gây nhiễm bẩn dòng phân hữu cơ nếu lẫn vào.
- Không thể tái chế cùng nhựa thông thường: Làm giảm chất lượng nhựa tái chế do có chứa các chất phụ gia thúc đẩy quá trình phân rã.
- Bị cấm ở nhiều nơi: Liên minh Châu Âu (EU) và một số khu vực trên thế giới đã cấm sử dụng nhựa tự hủy do lo ngại những tác động tiêu cực đến môi trường.
Do những tác động tiêu cực này, nhựa tự hủy đang bị coi là một giải pháp “giả xanh” (greenwashing).
So sánh nhựa phân hủy sinh học và nhựa tự hủy
Đặc điểm | Nhựa Phân Hủy Sinh Học (Biodegradable) | Nhựa Tự Hủy (Oxo-degradable)
|
---|---|---|
Cơ chế phân hủy | Phân hủy bởi vi sinh vật | Phân rã bởi oxy hóa |
Sản phẩm cuối | CO2, nước, sinh khối (nếu có chứng nhận, không độc hại) | Vi nhựa, CO2, nước |
Tác động môi trường | Tích cực | Tiêu cực, gây ô nhiễm vi nhựa |
Khả năng tái chế | Thường không tái chế được | Gây nhiễm bẩn dòng tái chế |
Độ tin cậy | Cần chứng nhận uy tín | Không đáng tin cậy |
Sự khác biệt giữa nhựa phân hủy sinh học và nhựa tự hủy là rất lớn. Trong khi nhựa phân hủy sinh học có thể góp phần giảm thiểu ô nhiễm, nhựa tự hủy lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn do ô nhiễm vi nhựa. Bằng cách hiểu rõ sự khác biệt và lựa chọn tiêu dùng thông minh, chúng ta có thể góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững hơn.