Ô nhiễm trắng và tác hại của rác thải nhựa đến đời sống

Ô nhiễm trắng hay còn gọi là ô nhiễm do rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến môi trường sống, rác thải nhựa đã và đang đe dọa rất lớn đến hệ sinh thái bao gồm người và động thực vật

1. Nguyên nhân, nguồn gốc của rác thải nhựa

Rác thải nhựa thường tồn tại dưới các dạng vật thể như: ống hút, vỏ chai, túi nilon… là các vật dụng được tổng hợp từ chất hóa học hữu cơ (như nhựa PE). Hiện tượng ô nhiễm trắng gây ra bởi rác thải nhựa bắt nguồn từ việc xả rác nhựa ra môi trường của con người.

  • Trong sinh hoạt: các túi nilon, chai nhựa, thùng nhựa… các của hộ gia đình.
  • Các hoạt động sản xuất, thi công trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường.
  • Các hoạt động dịch vụ ăn uống: cốc nhựa, ly nhựa, ống hút nhựa, hộp đựng thức ăn bằng nhựa…
  • Từ khu y tế, bệnh viện: Kim tiêm, lọ thuốc, găng tay…

Để phân hủy được rác thải nhựa có thể kéo dài rất lâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chính vì thế, khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng ảnh hưởng rất lớn đến hàng nghìn sinh vật sống. Trong đó, bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.

Có thể thấy, tác hại của rác thải nhựa vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các sinh vật trong hệ sinh thái của chúng ta.

2. Thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam

Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề rất lớn do rác thải nhựa gây ra và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do thói quen tiêu dùng nhanh, sử dụng các vật liệu, đồ dùng bằng nhựa lớn, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường hàng ngàn tấn rác thải nhựa. Điều này dẫn đến việc chúng ta đang phải đối mặt với những tác hại của rác thải nhựa lớn hơn bao giờ hết.

Theo thống kê, chỉ có 10% rác thải nhựa được đưa đi tái chế sau khi sử dụng. 90% còn lại bị chôn lấp hoặc xả thẳng ra môi trường. Chúng gây hại cho các loài động thực vật và gây cản trở rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của con người như làm kẹt ống thoát nước, gây nhiễm độc ở các nguồn nước ngầm…

Rác ngập tràn tại chợ Tuy Phong- Bình Định (Báo Tin Tức)

2.1. Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người

Tác hại của rác thải nhựa rất khủng khiếp, không chỉ đối với môi trường, mà đối với con người, chúng gây ra những khó khăn ngay trong chính các hoạt động sống.

2.2. Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường

Ngay trong chính môi trường, rác thải nhựa cũng gây ra vô số những rắc rối như:

  • Khó phân hủy, gây cản trở quá trình phát triển của cây cối, thực vật.
  • Rác thải nhựa lẫn trong thức ăn của các loài động vật dẫn đến tình trạng động vật bị chết hoặc bị thương do ăn nhầm.
  • Rác thải trôi nổi trên các bề mặt nước gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, khiến các động vật dưới nước bị mắc phải (túi nilon, vòng nhựa, chai lọ…) và bị chết do ngạt khí…
  • Rác thải nhựa khi chôn trong đất cũng khiến cho các vi sinh vật tốt trong đất bị chết và không thể sinh trưởng.

2.3. Tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người

Không những gây ra những tác hại nặng nề đến môi trường, rác thải nhựa còn ảnh hưởng to lớn tới sức khỏe, đời sống của con người:

  • Rác thải tràn lan gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến kinh tế vùng miền đặc biệt ở các vùng khai thác du lịch hay khai thác thủy hải sản.
  • Việc đốt rác thải nhựa cũng sinh ra các chất độc (đi-ô-xin, furan…) gây ô nhiễm không khí và gây ra hiện tượng nhiễm độc khí ở người thậm chí là các hiện tượng tồi tệ khác như gây ung thư và các bệnh lý nguy hại khác cho người và động vật.
  • Rác thải nhựa gây cản trở sinh trưởng của thực vật, gây hại cho động vật, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thức ăn cho người.
Rác xâm lấn vào khu vực sinh sống của người dân

3. Xử lý rác thải nhựa đúng cách

Để ngăn chặn tác hại của rác thải nhựa, mỗi cá nhân và tổ chức cần lưu ý một số cách xử lý rác thải nhựa hiệu quả như sau:

  • Phân loại rác thải nhựa trước khi đem bỏ vào thùng rác để dễ dàng tái chế.
  • Không vứt rác thải nhựa bừa bãi trên đường, ra sông hồ…
  • Cách tốt nhất là hạn chế hoặc nói không với sử dụng rác thải nhựa.

Hoạt động cụ thể mà các cá nhân và tổ chức nên làm:

  • Tuyên truyền, gia tăng nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa.
  • Các doanh nghiệp, các quốc gia nên đưa vào các hợp chất thay thế mới hoặc các loại nhựa sinh học có thể phân hủy trong thời gian ngắn vào dây chuyền sản xuất, cũng như trong đời sống hằng ngày của người dân.
  • Đối với cá nhân: Hạn chế sử dụng vật dụng nhựa, mua sắm các vật liệu cá nhân thay thế như túi đi chợ, sử dụng ống hút, cốc kim loại (hoặc sứ, sành… ) để mang theo thay vì dùng nhựa một lần.
Phân loại rác tại nguồn

Tác hại của rác thải nhựa là vô cùng lớn, nó ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến sức khỏe, đời sống của con người. Chính vì thế, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm trong việc hạn chế rác thải nhựa nhằm hạn chế những nguy hại, hướng đến bảo vệ môi trường sống cũng là bảo vệ chính bản thân và gia đình.

—————–

Nội dung bài viết được dẫn nguồn từ trang: Cleanipedia

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *