Ngày càng có nhiều bằng chứng về những tác động tiêu cực của vi nhựa. Dưới đây là tóm tắt một số nghiên cứu hấp dẫn nhất trong 12 tháng qua cho thấy sự hiện diện rộng rãi của hạt vi nhựa và hậu quả của chúng đối với sức khỏe con người.
Nội dung chính
1. Nhựa ở trong nước uống của chúng ta
Vào tháng 1 năm nay Tiến sĩ Wei Min và Tiến sĩ Beizhan Yan và nhóm các nhà khoa học hàng đầu của Đại học Columbia đã phát hiện ra rằng một chai nước nhựa 1 lít có thể chứa hơn 240.000 hạt nhựa nano*. Con số này cao gấp 100 lần so với kết quả từ các nghiên cứu trước đây. Trong số các hạt vi nhựa được phát hiện, 10% được xác định là nhựa PET, loại nhựa phổ biến nhất và cùng loại nhựa được sử dụng để làm chai nước dùng một lần đã được thử nghiệm trong nghiên cứu.
2. Nhựa ở trong đại dương của chúng ta
Chúng ta không chỉ nên lo lắng về nước đóng chai – một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 năm 2024 đã tìm thấy một lượng lớn nhựa và vi nhựa ở một khu vực hoàn toàn mới trên đại dương, tương tự như loại được tìm thấy ở Thái Bình Dương – Pacific Garbage Patch*. Cụ thể, một nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (UFZ), phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Biển và Cực Helmholtz (AWI) của Viện Alfred Wegener, đã tìm thấy một lượng lớn chất thải nhựa và hạt vi nhựa tại một khu bảo tồn biển xa xôi ở Thái Bình Dương, trải dài từ Canada tới Singapore, khu vực được xem là không bị ảnh hưởng bởi rác thải đại dương trước đây. Những hạt vi nhựa nhỏ bé này sẽ có nhiều tác động tiềm tàng đến hệ sinh thái này cũng như đến nhiều loài cá và động vật biển sinh sống ở đây. Điều này đặt ra một thách thức đáng kể, vì vi hạt nhựa thường quá nhỏ để có thể thu giữ bằng lưới lớn khiến cho việc dọn sạch chúng gần như không thể.
Rác thải biển tập trung ở nhiều khu vực khác nhau ở Bắc Thái Bình Dương,và không chỉ ở một khu vực.
3. Nhựa ở trong thai nhi của chúng ta
Trong cùng tháng 2 năm nay, Tiến sỹ Matthew Campen – Khoa Khoa học Dược phẩm UNM, đã công bố kết quả của một nghiên cứu nhằm kiểm tra lượng nhựa trong nhau thai. Sau khi xét nghiệm 62 bệnh nhân, mỗi nhau thai đều cho kết quả dương tính với vi hạt nhựa, chẳng hạn như polyetylen, polyvinyl clorua và nylon. Polyethylene còn được gọi là nhựa PET và chiếm tới 54% lượng vi nhựa trong nhau thai. Những loại nhựa này có mặt khắp nơi, dễ dàng tìm thấy trong mọi loại hộp, chai lọ và dụng cụ bằng nhựa.
4. Nhựa ở trong trái tim chúng ta
Vào tháng 3 năm 2024, một nghiên cứu khác được thực hiện bởi nhà khoa học Francesco Prattichizzo tại IRCCS MultiMedica, một bệnh viện ở Ý, nhằm kiểm tra tác động của vi nhựa đối với sức khỏe tim mạch. Prattichizzo đã kiểm tra 257 người trưởng thành vừa trải qua phẫu thuật loại bỏ mảng bám khỏi động mạch và phát hiện ra các hạt vi nhựa trong mảng bám của 150 bệnh nhân này. Sau khi theo dõi họ trong ba năm sau ca phẫu thuật, Prattichizzo phát hiện ra rằng những người có nhựa trong cơ thể có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao gấp bốn lần , chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ. Nghiên cứu mới này chứng minh mối liên hệ giữa vi nhựa và bệnh tim mạch và đã gây chú ý trên khắp thế giới.
5. Nhựa xâm nhập vào các tàn tích lịch sử
Mặc dù chúng ta biết rằng hạt vi nhựa đang xâm nhập vào cơ thể và đại dương của chúng ta nhưng chỉ gần đây các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng nó cũng đang xâm nhập vào cả nền lịch sử của chúng ta. Một lượng lớn vi nhựa đã được các nhà nghiên cứu từ Đại học York và Hull ở Vương quốc Anh phát hiện tại các địa điểm khảo cổ quan trọng. Nghiên cứu của họ được công bố vào tháng 3 năm 2024, trên tạp chí Khoa học về Môi trường – Science of the Total Environment, được hỗ trợ bởi tổ chức từ thiện giáo dục York Archaeology.
Các nhà khoa học đã kiểm tra các trầm tích từ hai địa điểm quan trọng – một địa điểm có tên là Wellington Row, là địa điểm khảo cổ có từ thời Viking và địa điểm thứ hai là địa điểm từ thời La Mã được gọi là Khách sạn Queen.
Họ phát hiện ra rằng tại Wellington Row có mật độ nhựa cao nhất, với 20.588 hạt vi nhựa/kg, trong khi các mẫu từ địa điểm Khách sạn Queen chứa 5.910 hạt/kg. Tuy không thể xác định được hết các loại nhựa nhưng kết quả thử nghiệm đã phát hiện ra ethylene-vinyl và polyalkene – cả hai đều được sử dụng trong bao bì thực phẩm, và 57% vi nhựa đến từ Polytetrafluoroethylene (PTFE) – hay còn gọi là Teflon, được sử dụng trong chảo chống dính.
Việc các địa điểm này bị ô nhiễm vi nhựa có thể khiến các nhà nghiên cứu không thể kiểm tra đầy đủ các khu khai quật để tìm thông tin lịch sử, đồng thời làm tăng tỷ lệ xuống cấp. Có vẻ như ngay cả các di tích lịch sử cũng không an toàn trước vi hạt nhựa.
Mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta dường như đều đang lên tiếng chống lại nhựa, từ khoa học môi trường, sức khỏe con người cho đến lịch sử học. Chúng ta cũng không thể nhìn thấy vi khuẩn hay virus bằng mắt thường nhưng chúng ta đều biết sự hiện diện của chúng. Chúng ta không thể nhìn thấy các hạt vi nhựa hoặc các hóa chất độc hại thoát ra từ chúng không có nghĩa là chúng không tồn tại.
—————
Nguồn: Từ Sofia Tjia, https://www.earthday.org/from-health-to-history-5-new-concerning-discoveries-about-microplastics/