NHỮNG NỖ LỰC ĐẠT HIỆP ƯỚC TOÀN CẦU VỀ CHỐNG Ô NHIỄM NHỰA

Theo UNEP, mỗi phút, lượng nhựa đổ vào đại dương ương đương với một xe tải chở rác, và dự kiến khí thải nhà kính từ rác thải nhựa sẽ đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2050. Trong 5 năm qua, tổng lượng rác thải nhựa trong đại dương đã tăng 50%, và dự báo sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040.

Theo LHQ, đến năm 2050, lượng nhựa ở biển có thể nhiều hơn cả lượng cá. Hãng thông tấn nhà nước Tunisia (TAP) trích dẫn kết quả nghiên cứu của dự án chống rác thải biển ở Địa Trung Hải (COMMON) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho biết, nhựa chiếm 80% rác thải được tìm thấy trong môi trường biển và ven biển của ba quốc gia Địa Trung Hải là Tunisia, Italy và Lebanon. COMMON cũng nghiên cứu hơn 700 mẫu vật của sáu loài cá có lợi ích thương mại và phát hiện ra một phần ba số cá thể được phân tích đã ăn phải vi nhựa.

Nhận thấy thực trạng ô nhiễm môi trường mà đặc biệt là ô nhiễm nhựa, năm 2022, gần 200 quốc gia tham dự Đại hội đồng Môi trường LHQ (UNEA) tại Nairobi, Kenya, đã đồng thuận thành lập một ủy ban liên chính phủ (INC) để đàm phán và hoàn thiện một hiệp định về rác thải nhựa mang tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024. Đây là một bước quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường biển. Phát biểu ý kiến tại phiên họp INC-2, Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt cùng lúc ba cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, gồm khủng hoảng biến đổi khí hậu, khủng hoảng thiên nhiên và mất đa dạng sinh học, khủng hoảng ô nhiễm và chất thải. Đáng chú ý, những người dân ở các quốc gia và cộng đồng nghèo nhất phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ các cuộc khủng hoảng này. Giám đốc điều hành UNEP cho rằng, cơ sở hạ tầng tái chế rác thải nhựa không thể đối phó với khối lượng rác thải ngày một tăng như hiện nay. Vì vậy, chỉ có tiếp cận bằng cách dừng sản xuất, thay thế chuyển đổi sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường mới có thể đem lại thành công trong nỗ lực chống ô nhiễm nhựa.

Tuy nhiên, các nỗ lực tích cực đàm phán của INC thời gian qua có nguy cơ không đủ để giảm thiểu sự sử dụng nhựa. Cụ thể, trong phiên họp INC-4 vừa qua tại Ottawa, Canada, ngày 30 tháng 4 năm 2024 cho thấy nguy cơ chúng ta có thể không đạt được mục đích giảm thiểu ô nhiễm nhựa khi cuộc đàm phán lần này đang nghiêng về lợi ích của ngành nhiên liệu hóa thạch và hóa dầu. Phản ứng trước những diễn biến này, Hellen Kahaso Dena, Trưởng dự án Nhựa Châu Phi tại Greenpeace Africa cho biết: “Việc thiếu sự đồng thuận về việc đưa việc cắt giảm sản xuất nhựa bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều quốc gia thành viên, các nhà khoa học và người dân bản địa là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy thế giới đã sẵn sàng chứng kiến một thảm họa đang diễn ra trước mắt họ. Rủi ro không thể cao hơn – nếu không giảm sản xuất, các cộng đồng ở Châu Phi sẽ tiếp tục bị tàn phá bởi tác động nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa đối với sức khỏe, sinh kế và môi trường của họ. Một hiệp ước quản lý chất thải sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng nhựa đang diễn ra”. Graham Forbes, Trưởng phái đoàn Greenpeace tham gia đàm phán Hiệp ước Nhựa Toàn cầu và Trưởng Chiến dịch Nhựa Toàn cầu tại Greenpeace USA, cho biết: “Mọi người đang bị tổn hại do sản xuất nhựa mỗi ngày, nhưng các bạn đang lắng nghe các nhà vận động hành lang hóa dầu nhiều hơn là các nhà khoa học y tế. Bất kỳ ai cũng có thể thấy rằng chúng ta không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa trừ khi chúng ta ngừng sản xuất quá nhiều nhựa. Nếu các quốc gia không hành động từ bây giờ cho đến khi diễn ra INC-5 ở Busan sắp tới, thì hiệp ước mà chúng ta nhận được sẽ là một hiệp ước của Exxon Mobil – Tập đoàn dầu khí đa quốc gia lớn nhất thế giới – đơn vị có thể bị ảnh hưởng lợi ích nhiều nhất trong cuộc chiến chống lại nhựa trên toàn cầu hiện này”

Thảm họa về môi trường đang đến gần và không còn nhiều thời gian để lãng phí – chúng ta cần mạnh mẽ cắt giảm sản xuất nhựa, thay thế, chuyển đổi sử dụng các vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường và chấm dứt sử dụng nhựa dùng một lần.

Trang Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *