Nhựa tự hủy bị cấm trên thế giới: Lý do và sự thật

Nhựa tự hủy bị cấm trên thế giới

Bạn nghĩ túi ‘tự hủy sinh học’ mình đang dùng có thật sự thân thiện với môi trường? Sự thật là, loại nhựa tự hủy (OXO-degradable) này đang bị rất nhiều quốc gia trên thế giới ‘quay lưng’ và ban hành lệnh cấm. Tại sao lại như vậy? Đâu là tác hại nhựa tự hủy mà có thể bạn chưa biết? Hãy cùng tìm hiểu ngay.

Nhựa tự hủy bị cấm trên thế giới
Nhựa tự hủy bị cấm trên thế giới

Lý do nhựa tự hủy bị cấm

Nhựa tự hủy OXO-degradable bản chất vẫn được làm từ các loại nhựa dẻo truyền thống, có nguồn gốc từ dầu mỏ, được bổ sung thêm một số chất phụ gia nhằm thúc đẩy quá trình phân tách vật lý. Tuy nhiên, các sản phẩm tự hủy lại không phân hủy sinh học hoàn toàn mà chỉ phân mảnh thành các hạt vi nhựa li ti. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), “Nhựa OXO-degradable không phân hủy sinh học theo nghĩa thông thường… chúng chỉ đơn giản là vỡ thành các mảnh nhỏ hơn.”

Những hạt vi nhựa này nhỏ đến mức mắt thường khó thấy, dễ dàng lẫn vào đất, nước chúng ta dùng hàng ngày, và thậm chí đi vào cơ thể qua thực phẩm, nước uống. Đây chính là tác hại lớn nhất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Nhựa tự hủy OXO tạo ra vi nhựa
Nhựa tự hủy OXO tạo ra vi nhựa

Đồng thời, việc phân hủy vật lý nhanh chóng cùng các chất phụ gia trong nhựa tự hủy OXO sẽ làm giảm chất lượng vật liệu tái chế, gây khó khăn trong quá trình tái chế và làm giảm giá trị tái sinh của nhựa. Theo Ellen MacArthur Foundation, các nhà tái chế đã công nhận rằng nhựa OXO-degradable ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và giá trị của vật liệu tái chế.

Loại nhựa này không đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt quốc tế (như EN13432 hay ISO 18606) về khả năng phân hủy hoàn toàn trong điều kiện ủ phân công nghiệp, khác với nhựa phân hủy sinh học thực sự. Ellen MacArthur Foundation cũng nêu rõ điều này.

Nhựa OXO-degradable còn có thể khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp hiểu sai về tính thân thiện của sản phẩm đối với môi trường.

Do đó, các quy định về nhựa oxo-degradable đang được nhiều quốc gia và khu vực ban hành, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực mà nó có thể gây ra cho môi trường và sức khỏe con người.

 

Những quốc gia đã hành động ban lệnh cấm nhựa tự hủy

Đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, làn sóng tẩy chay loại nhựa nguy hiểm này đã lan rộng trên toàn cầu. Dưới đây là những quốc gia tiên phong:

Liên minh châu Âu EU

Lệnh cấm nhựa tự hủy OXO-degradable được quy định trong Chỉ thị EU 2019/904 (Single-Use Plastics Directive), có hiệu lực từ tháng 7 năm 2021, yêu cầu các nước thành viên EU cấm tất cả các sản phẩm nhựa tự hủy OXO-degradable. Lệnh cấm dựa trên đánh giá rằng loại nhựa này không phân hủy sinh học hoàn toàn mà phân mảnh thành vi nhựa, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến tái chế và ủ phân. Tòa án chung Châu Âu cũng đã giữ nguyên lệnh cấm này

Pháp

Trước khi lệnh cấm nhựa tự hủy OXO có hiệu lực tại Liên minh Châu Âu EU, Pháp đã có những động thái sớm hơn. Pháp đã ban hành lệnh cấm đối với túi dễ phân mảnh (fragmentable bags), còn gọi là nhựa tự hủy OXO, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020.

Tây Ban Nha

Năm 2018, Tây Ban Nha cũng đã có quy định cấm kinh doanh túi tự hủy OXO trọng lượng nhẹ (độ dày dưới 50 micron) từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.

Canada (British Columbia)

Tỉnh British Columbia (B.C.) đã ban hành quy định cấm kinh doanh và phân phối các sản phẩm đóng gói hoặc dùng một lần chứa nhựa tự hủy OXO-degradable kể từ ngày 15/7/2024. Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ được phép tiếp tục sử dụng nhựa tự hủy như thiết bị y tế chứa nhựa OXO-degradable hoặc sản phẩm xuất khẩu ra ngoại tỉnh.

Úc

Các bang ở Úc đã ban hành luật cấm hoặc hạn chế sử dụng nhựa tự hủy sinh học bắt đầu từ năm 2021-2022 tùy bang, trong đó các nhà bán lẻ lớn như Woolworths đã loại bỏ hoàn toàn nhựa OXO khỏi chuỗi cung ứng từ tháng 3 năm 2022.

Tuy nhiên, một số quốc gia trên thế giới như ở Trung Đông hay Châu Phi vẫn đang khuyến khích sử dụng sản phẩm nhựa tự hủy sinh học. Việc truyền thông sai lệch, nhầm lẫn về tính chất của loại nhựa này đang khiến các quốc gia này rơi vào tình trạng ô nhiễm vi nhựa cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là ở những nơi không có cơ sở hạ tầng quản lý chất thải hiệu quả.

Quy định tại Việt Nam

Việt Nam chưa có chế tài hay quy định cụ thể nào về nhựa tự hủy sinh học đang thực thi. Tuy nhiên, Chính phủ đã công bố Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trong đó có các quy định liên quan đến việc cấm kinh doanh, sản xuất nhựa sử dụng một lần và nhựa tự khó phân hủy sinh học, hiệu lực kể từ năm 2026. Cụ thể:

  • Khoản 1 điều 64 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
  • Khoản 3 điều 64 Nghị định 08/2022/NĐ-CP yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và hàng hóa chứa vi nhựa sau ngày 31/12/2030.

Đây là một bước tiến của Việt Nam trong tương lai, hướng đến phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Quy định về nhựa tự hủy oxo-degradable đang ngày càng được siết chặt trên toàn cầu, nhằm bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm vi nhựa và thúc đẩy việc sử dụng các loại nhựa phân hủy sinh học thật sự, thân thiện với môi trường hơn. Hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm thay thế bền vững ngay hôm nay!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *