Trên thực tế, rất nhiều người nhầm lẫn giữa nhựa phân hủy sinh học và nhựa tự hủy Oxo vì nhầm lẫn rằng chúng đều phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường.
Nội dung chính
1. Cách phân biệt Nhựa phân hủy sinh học và Nhựa tự hủy Oxo
1.1 Nhựa phân hủy sinh học là gì?
Nhựa phân hủy sinh học là loại nhựa được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên như tinh bột, cellulose, axit polylactic (PLA) và các polyme có nguồn gốc từ sinh khối như ngô, khoai tây và đường mía, vv. Nhựa phân hủy sinh học có khả năng phân hủy hoàn toàn thành CO2, nước và mùn hữu cơ trong điều kiện độ ẩm, ánh sáng, và vi sinh vật thích hợp.

1.2 Nhựa tự hủy Oxo là gì?
Nhựa tự hủy OXO được tạo thành từ nhựa truyền thống như PE (polyethylene) hoặc PP (polypropylene), kết hợp với phụ gia kim loại hữu cơ (thường gọi là phụ gia OXO). Các phụ gia này bao gồm các hợp chất như stearate kim loại (stearate kẽm, stearate mangan hoặc stearate coban), giúp nhựa phân rã thành các mảnh nhỏ hơn dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ và oxy.

2. Cách phân biệt đối với các sản phẩm
Trong phòng thí nghiệm, để phân biệt nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn và nhựa tự hủy Oxo, ta có thể sử dụng dung môi. Cho màng nhựa vào dung môi CH2Cl2, nếu màng mà tan hoàn toàn trong dung môi thì đó là nhựa phân hủy sinh học, còn màng không tan thì đó là nhựa tự hủy Oxo hoặc là nhựa chứa PE, PP.
Cách đơn giản hơn để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO khi mua sắm các sản phẩm sử dụng một lần như sau:
Các dòng sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO khi bày bán trên thị trường, đặc biệt là trong các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn đều phải kê khai đầy đủ bảng thành phần vật liệu. Nếu trong bảng thành phần có cụm từ là nhựa PE, PP và phụ gia hệ OXO degradable thường được mô tả bằng những từ ngữ như: “OXO”; “chất tự phân hủy Self-Biodegradadle”; “D2W” thì đó chính là nhựa phân rã OXO.
3. Thực trạng hiện nay của túi tự hủy Oxo trên thị trường
Hiện nay, không khó để bắt gặp các sản phẩm nhựa tự hủy OXO được quảng cáo và dán nhãn là “có khả năng phân hủy sinh học” tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược, nhựa tự hủy OXO khi thải ra môi trường vẫn là nhựa, chỉ khác ở chỗ nó phân rã thành các mảnh nhỏ li ti. Điều này khiến cho nhựa tự hủy OXO còn nguy hiểm hơn nhựa truyền thống.
Loại nhựa này khi vỡ ra thành những mảnh nhỏ li ti sẽ tạo ra các hạt gọi là hạt vi nhựa mang theo các hợp chất kim loại hữu cơ độc hại ngấm sâu vào trong đất và nguồn nước. Các hạt này có thể tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường.
Nhiều nước trên thế giới đã lên án nhựa tự hủy OXO vì vi nhựa. Kim loại nặng từ sản phẩm nhựa tự hủy OXO khi phân rã sẽ dễ dàng đi vào chuỗi tuần hoàn thực phẩm, gây tác động xấu tới sức khỏe con người. Vì vậy, một số nước Châu Âu đã cấm dùng nhựa tự hủy OXO.
Còn tại Việt Nam, nhiều công ty sản xuất các sản phẩm dùng 1 lần làm từ nhựa và được bán tại các siêu thị, phổ biến nhất là túi, cốc, thìa, dĩa, gang tay nilong,…. Thế nhưng, lại lập lờ trong việc phân biệt nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn và nhựa tự hủy OXO khi đều mang danh “phân hủy sinh học”. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng, nhựa tự hủy OXO thân thiện với môi trường, nhưng thực tế, nó lại gây độc hại cho môi trường.
Ngừng sử dụng nhựa, cũng càng phải ngừng sử dụng nhựa phân rã, nhựa tự hủy OXO để chung tay bảo vệ môi trường, ngăn cản ô nhiễm “trắng”, ô nhiễm nhựa.