Nhỏ bé nhưng đầy nguy hại, hạt vi nhựa đang âm thầm xâm nhập vào mọi ngóc ngách của môi trường và cuộc sống con người. Từ nước uống, thực phẩm, cho đến môi trường hoang dã tự nhiên, tất cả đều đã có sự hiện diện của vi nhựa. Nhưng những hạt nhựa siêu nhỏ này đến từ đâu? Chúng thực sự gây ra những mối đe dọa nào đối với sức khỏe và hệ sinh thái? Để hiểu rõ hơn về bản chất của vi nhựa, hãy cùng S4N khám phá hành trình cũng như nguồn gốc và các tác hại đáng báo động mà chúng mang lại.
Nội dung chính
Hạt vi nhựa ẩn nấp trong môi trường
Hạt vi nhựa thường có kích thước nhỏ hơn 5mm nên chúng rất dễ xâm nhập vào mọi ngóc ngách trong môi trường. Vi nhựa len lỏi vào trong đất, đại dương và không khí, làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngay cả thức ăn của con người cũng bị ô nhiễm vi nhựa. Vi nhựa xâm nhập vào cơ thể chúng ta thông qua thức ăn, gây ra những hiểm họa sức khỏe khôn lường cho nhân loại. Thậm chí, những nơi tưởng chừng như không thể có vi nhựa lại đang dần dần bị ô nhiễm bởi các mảnh hạt li ti này.
Tìm thấy hạt vi nhựa trong di tích lịch sử
Mới đây nhất, các nhà khoa học đã phát hiện sự ô nhiễm vi nhựa trong một số địa điểm khảo cổ và di tích lịch sử. Cụ thể, khảo sát các mẫu trầm tích khảo cổ tại Yorkshire, Vương quốc Anh cho thấy, nồng độ vi nhựa cao nhất đạt 20,588 mảnh/kg ở độ sâu hơn 7m. Ở một địa điểm khảo cổ khác dưới độ sâu 5m, hàm lượng vi nhựa đạt 5910 mảnh/kg. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Oxford, Vương quốc Anh ghi nhận, nồng độ sợi vi nhựa trên các bức tường cổ của đại học New College lên tới 975.000 sợi/m2.
Đỉnh Everest và đáy biển sâu nhất phát hiện vi nhựa
Vi nhựa còn được phát hiện tại nơi cao nhất và sâu nhất của thế giới. Thu thập các mẫu tuyết trên đỉnh Everest, phát hiện nồng độ vi nhựa trung bình từ 3 đến 119 hạt/lít. Các vi nhựa trên Everest chủ yếu bao gồm polyester, acrylic, nylon và polypropylene (PP).
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra vi nhựa ở vùng biển sâu nhất của Trái Đất. Nồng độ vi nhựa ở vùng đáy biển sâu từ 6,000 – 11,000 m dao động từ 2 đến 13 mảnh/lít, cao hơn nhiều so với vùng nước dưới bề mặt của đại dương. Các trầm tích biển sâu ở Mariana Trench có nồng độ vi nhựa từ 200 đến 2,200 mảnh/lít, cao hơn so với hầu hết các trầm tích biển sâu khác. Tại độ sâu 10,903m, nồng độ vi nhựa đạt khoảng 11 mảnh/lít, gấp bốn lần so với nước dưới bề mặt của vùng biển khơi.

Hạt vi nhựa sinh ra từ đâu?
Vi nhựa được sinh ra trong quá trình phân rã của các sản phẩm nhựa lớn hơn. Vì vậy, một trong những nguồn phát thải vi nhựa lớn nhất đến từ rác thải nhựa. Theo ước tính của Liên hợp quốc, rác thải nhựa hàng năm đạt khoảng 300 triệu tấn. Số rác nhựa này liên tục phân hủy thành vi nhựa, trôi dạt trong môi trường. UNESCO cho biết, hiện nay, có khoảng 50 – 75 nghìn tỷ mảnh vi nhựa trong đại dương. Một nguồn phát thải vi nhựa lớn trong hoạt động sinh hoạt khác đó chính là giặt quần áo. Trang ACS Environmental Science & Technology Water đã công bố một nghiên cứu cho thấy, trung bình một mảnh vải polyester thải ra 1,853 mảnh vi nhựa khi được giặt bằng tay và con số này còn lên tới 23,723 khi giặt chất vải cùng loại trong máy giặt. Con người nếu hấp thụ phải vi nhựa sẽ gặp phải những vấn đề sức khỏe khó lường.
Nguy cơ từ vi nhựa – hiểm họa vô hình
Vi nhựa rất có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch ở người. Mới đây, National Geographic tổng hợp thông tin từ một kết quả nghiên cứu cho biết: Các hạt vi nhựa trong động mạch có mối liên hệ mật thiết đến những bệnh về tim. Nghiên cứu cho thấy, những người có nhiều mảnh vi nhựa bám trong mạch có nguy cơ mắc các bệnh đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao hơn gấp 4 lần so với người bình thường. Ngoài ra, vi nhựa còn là nơi trú ẩn lý tưởng của các vi khuẩn kháng kháng sinh. Các vi khuẩn nguy hiểm này bám theo vi nhựa, đi vào cơ thể và gây hại cho sức khỏe con người. Một số nghiên cứu khác thu thập được kết quả: nồng độ vi nhựa trong não người có xu hướng gia tăng qua từng năm. Đặc biệt, những người mắc các bệnh về trí nhớ có hàm lượng vi nhựa trong não cao đáng kể.
Không chỉ con người mà hệ sinh thái cũng phải đối mặt với không ít hiểm họa đến từ vi nhựa. Hạt vi nhựa âm thầm xâm nhập vào từng tầng đất, phá vỡ cấu trúc tự nhiên và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sự phát triển của cây trồng. Động vật hoang dã đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ ô nhiễm vi nhựa. Cơ thể chúng bị vi nhựa làm tổn thương nghiêm trọng và môi trường sống ngày càng suy thoái.
Hạt vi nhựa đang ngày càng len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ không khí, nước uống, thực phẩm đến cơ thể con người. Việc nắm được nguồn gốc và tác hại của chúng là bước đầu tiên để chúng ta có thể giảm thiểu sự phát tán, bảo vệ sức khỏe cũng như môi trường.