Hành trình của nhựa và hạt vi nhựa

Hành trình của nhựa

Ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là ô nhiễm trắng đang đe dọa hệ sinh thái tự nhiên, gây ra tác động xấu đến sinh vật và con người. Sau khi trở thành rác thải, hành trình của nhựa sẽ tiếp tục ra sao? Hãy cùng S4N khám phá điểm xuất phát và đích đến cuối cùng của nhựa.


Sản xuất nhựa

Có đến 99% nhựa được sản xuất bằng hóa chất có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí ethane, dầu thô,… Trong đó, dầu thô là nguyên liệu thô chính để sản xuất nhựa. Dầu thô là hỗn hợp phức tạp của rất nhiều hợp chất khác nhau nên cần được xử lý trước khi đi vào sử dụng. Dầu được khai thác thông qua quá trình khoan. Sau khi khai thác, dầu thô trải qua quá trình tinh chế bằng cách đun nóng ở nhiệt độ cao (khoảng 400°C) để tách thành các thành phần nhẹ hơn.

Nhựa sản xuất từ dầu mỏ
Nhựa sản xuất từ dầu mỏ

Nhựa tái sinh cũng là một nguồn nguyên liệu thứ cấp phổ biến để sản xuất nhựa. Nhựa tái sinh được tái chế từ phế liệu nhựa như chai nước, vỏ đựng thực phẩm,.. Lượng phế liệu nhựa sau khi thu gom được sẽ trải qua quá trình phân loại để loại bỏ các tạp chất không phải nhựa như kim loại, giấy, nhãn mác và rác thải khác. Nhựa sau khi được làm sạch sẽ được xử lý, tạo hình thành các hạt nhựa tái sinh – nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm nhựa mới.

Nhựa tái sinh dùng sản xuất nhựa
Nhựa tái sinh dùng sản xuất nhựa

Sản phẩm nhựa ra đời

Sau khi trải qua các công đoạn sản xuất phức tạp, các sản phẩm nhựa được ra đời. Từ những sản phẩm nhựa dùng một lần cho đến các linh kiện trong ngành công nghiệp ô tô, điện tử, xây dựng… tất cả đều có sự góp mặt của nhựa. Những vật dụng nhựa phổ biến trong đời sống có thể kể đến như chai nước, bao bì thực phẩm, bàn chải đánh răng, quần áo tổng hợp, túi nilon, đồ dùng học tập…

Nhựa được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi nhờ vào những đặc tính vượt trội như nhẹ, bền, dẻo, dễ tạo hình và chi phí sản xuất thấp. Những tiện ích này giúp nhựa trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, các sản phẩm nhựa hiện nay nếu không được phân loại đúng cách sẽ dễ dàng trở thành rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

Sản phẩm nhựa
Sản phẩm nhựa

Rác thải nhựa

Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Thế giới hàng năm thải ra môi trường 300 triệu tấn rác thải nhựa và chỉ 9% trong số đó được tái chế

Rác thải nhựa tràn lan gây tác động tiêu cực đến động vật hoang dã và hệ sinh thái. Hàng năm, có khoảng 100.000 động vật có vú biển và rùa biển, cùng 1 triệu chim biển bị chết do ô nhiễm nhựa biển. Chúng có thể bị mắc kẹt trong các mảnh nhựa như túi nilon, lưới đánh cá hoặc nhầm lẫn nhựa là thức ăn.

Những dòng sông trong vắt, sạch sẽ dần trở nên khó tìm kiếm hơn bao giờ hết. Thay vào đó, những con sông tràn ngập rác thải nhựa ngày càng nhiều. Ước tính trên thế giới có khoảng 1.000 con sông chịu trách nhiệm cho gần 80% lượng rác nhựa từ sông ra biển hàng năm, dao động từ 0,8 đến 2,7 triệu tấn. Trong đó, các sông đô thị nhỏ nằm trong số những nguồn gây ô nhiễm nhất. 20% lượng nhựa còn lại đến từ 30.000 con sông khác nhau.

Không chỉ gây hại môi trường, nhựa còn có thể phân tách thành vi nhựa, âm thầm xâm nhập vào cơ thể con người, gây ra những hiểm họa sức khỏe vô cùng nguy hiểm.

Phát tán hạt vi nhựa

Ngoài những tác hại dễ nhận thấy, rác thải nhựa còn đang âm thầm gieo những nguy hại tiềm ẩn đến cho môi trường và con người bằng vi nhựa. Vi nhựa là những mảnh hạt li ti, bị phân rã trong quá trình phân hủy của các sản phẩm nhựa. Hạt vi nhựa thường có kích thước rất nhỏ, dao động từ 0,001 mm đến 5mm, khó có thể phát hiện bằng mắt thường. 

Với kích thước siêu nhỏ, vi nhựa dễ dàng xâm nhập vào môi trường tự nhiên, thẩm thấu vào đất, nước, cây cối. Ước tính có đến 440.900 tấn vi nhựa được sử dụng vào đất mỗi năm ở Liên minh Châu Âu. Ở đại dương, một số khu vực biển trên thế giới đã ghi nhận nồng độ hạt vi nhựa vượt ngưỡng 121,000 hạt/m3, và con số này vẫn còn tiếp tục tăng theo từng năm.

Rác thải nhựa phát tán hạt vi nhựa
Rác thải nhựa phát tán hạt vi nhựa

Vi nhựa còn có khả năng đi vào cơ thể con người thông qua thực phẩm, nước uống và thậm chí qua cả không khí. WWF cho biết, con người đang hấp thụ 5g nhựa vào cơ thể mỗi tuần, tương đương với 2000 hạt vi nhựa và bằng một chiếc thẻ ngân hàng

Nhiều nghiên cứu khoa học đã tìm ra những cơ quan cơ thể người đang tích tụ vi nhựa. Đáng báo động là hàm lượng vi nhựa trong não đang gia tăng rất cao. Cụ thể, khi so sánh nồng độ vi nhựa ở não với các mẫu gan và thận thu thập trong cùng khoảng thời gian 2016 – 2024, nồng độ vi nhựa trong não được xác định cao hơn gấp 7 – 30 lần so với thận và gan.

Tác hại của hạt vi nhựa

Một khi vi nhựa đã phân rã và phát tán, chúng sẽ không thể được thu gom và tái chế. Vi nhựa mất hàng trăm năm, thậm chí đến nghìn năm để phân hủy hoàn toàn. Trong thời gian đó, vi nhựa len lỏi vào vào môi trường và cơ thể con người, gây ra những hậu quả vô cùng to lớn.

Trong hệ sinh thái tự nhiên, vi nhựa đi vào nguồn nước, đất và không khí, gây rối loạn thiên nhiên và đầu độc những sinh vật hoang dã. Vi nhựa lưu giữ cao trong đất có khả năng làm thay đổi thành phần hóa học và vật lý của đất. Đối với thực vật, khả năng quang hợp đang bị suy thoái do vi nhựa cản trở. Điều này dẫn đến sự suy giảm sản lượng cây trồng về lâu dài, gây khó khăn cho ngành nông nghiệp. 

 

Ở trong cơ thể người, các nhà khoa học đã phân tích một số loại bệnh có mối liên hệ mật thiết với vi nhựa. Nồng độ vi nhựa trong não của những bệnh nhân mắc bệnh mất trí nhớ đã được xác định cao hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh. Nghiên cứu khác đã chỉ ra, bệnh nhân mắc bệnh xơ vữa động mạch bị nhiễm hạt vi nhựa sẽ có nguy cơ gặp biến cố cao hơn gấp 2.1 lần so với những bệnh nhân không nhiễm vi nhựa.

 

Vi nhựa còn được phát hiện là nơi trú ẩn lý tưởng cho vi khuẩn kháng kháng sinh. Một nghiên cứu được thực hiện tại một số vùng ở đồng bằng sông Hồng đã cho thấy, có một lượng vi khuẩn kháng kháng sinh nhất định bám trên vi nhựa, theo vi nhựa đi vào nguồn nước. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ phơi nhiễm các loại bệnh nguy hiểm do vi nhựa làm trung gian, vận chuyển vi khuẩn có hại.

Hành trình của nhựa sẽ mãi là một vòng lặp không hồi kết nếu con người vẫn thờ ơ với cách chúng ta sử dụng chúng. Nhựa và vi nhựa sẽ tiếp tục tràn lan ra môi trường, gây hại cho Trái Đất nếu không thể được thu gom và xử lý một cách triệt để. Mỗi hành động đúng đắn như tiêu dùng thông minh, phân loại rác đúng cách,… sẽ góp phần hạn chế được tác động của nhựa và vi nhựa, xây dựng một tương lai xanh, bền vững

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *