Trong bối cảnh thế giới đang gồng mình trước ô nhiễm và biến đổi khí hậu, vi nhựa nổi lên như một mối đe dọa mới, đầy âm thầm và nguy hiểm. Việc hiểu rõ các tác động của hạt vi nhựa hiện nay là vô cùng cấp bách và cần thiết.
Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của hạt vi nhựa, S4N đã biên soạn cuốn ebook “Siêu tổng hợp 2025. Tác hại của hạt vi nhựa – Mối đe dọa toàn cầu”. Cuốn ebook mang đến một cái nhìn tổng quan nhất về hạt vi nhựa, từ sự hiện diện trong môi trường hệ sinh thái cho đến những tác hại trong đời sống hàng ngày của con người. Nội dung đã được S4N tổng hợp và chọn lọc từ nhiều nghiên cứu đã được công bố, đảm bảo tính khách quan, cập nhật và dễ tiếp cận.
Bấm vào đây để tải tài liệu: Link
Qua đó, S4N hy vọng có thể giúp người đọc hiểu được rõ ràng về tác động của hạt vi nhựa hiện nay, thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe con người một cách bền vững.
Mỗi ngày, hàng loạt các nghiên cứu và báo cáo liên tục phát hiện sự hiện diện của hạt vi nhựa trong mọi ngõ ngách trên Trái Đất. Hạt vi nhựa được tìm thấy trong mọi môi trường tự nhiên và thậm chí còn xâm nhập vào cơ thể người. Thông tin về vi nhựa xuất hiện ngày càng nhiều, làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu về những tác hại nghiêm trọng của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Nội dung chính
- 1 Tất tần tật về vi nhựa
- 2 Thực trạng đáng báo động về tác hại của hạt vi nhựa
- 3 Tác hại của hạt vi nhựa
- 4 Giảm thiểu tác hại của hạt vi nhựa
- 5 Sản phẩm phân hủy sinh học – giải pháp giải quyết tác hại của hạt vi nhựa
Tất tần tật về vi nhựa
Định nghĩa
Hạt vi nhựa là những hạt nhựa nhỏ hơn 5mm, khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vi nhựa được chia làm hai loại: microplastic và nanoplastic. Hạt nhựa sẽ có kích thước lớn hơn 5mm, trong khi đó, hạt vi nhựa (hay còn gọi là microplastic) sẽ nhỏ hơn, từ 0.001mm đến 5mm. Hạt nhựa nano (nanoplastic) là loại vi nhựa nhỏ nhất, chỉ nhỏ hơn 0.0001mm. Hạt nhựa nano rất khó để phát hiện bằng mắt người, dễ dàng xâm nhập sâu vào môi trường và cơ thể con người.

Nguồn gốc của hạt vi nhựa
Vi nhựa nguyên sinh
Hạt vi nhựa nguyên sinh được sản xuất rộng rãi trong công nghiệp với công dụng làm sạch và làm đẹp. Các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da như sữa rửa mặt, kem dưỡng đều chứa hạt vi nhựa nguyên sinh. Tuy nhiên, những vi nhựa này vẫn là chất dẻo khó phân hủy, khiến con người hấp thụ nhựa nhiều hơn và tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe.
Vi nhựa thứ cấp
Vi nhựa thứ cấp không được sản xuất mà hình thành trong quá trình phân rã của các sản phẩm nhựa. Sản phẩm nhựa dưới tác động ngoại lực khác nhau như nhiệt độ, gió, ánh nắng mặt trời hay tự hủy sinh học sẽ phát tán ra vi nhựa.
Nguồn phát thải
Rác thải nhựa tích tụ là nguồn phát vi nhựa lớn nhất. Thế giới hàng năm thải ra môi trường 300 triệu tấn rác thải nhựa. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Việc rác thải nhựa không được xử lý sớm và đúng quy định sẽ khiến vi nhựa phát tán ra môi trường ngày càng nhiều. Ngoài ra, lốp xe cũng là một nguồn phát tán vi nhựa rất lớn trong môi trường. Theo tổng hợp từ trang thông tin điện tử Khoa học và Phát triển, lốp xe phát tán 28% tổng số hạt vi nhựa ra đại dương. Việc lốp xe bị bào mòn trên đường sẽ phát tán những hạt vi nhựa li ti, lẫn trong khói bụi không khí, đi vào nguồn nước, trôi ra sông, suối và đại dương.

Thực trạng đáng báo động về tác hại của hạt vi nhựa
Cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm vi nhựa đang là vấn đề nóng được cả thế giới quan tâm. Vi nhựa đang len lỏi và xâm chiếm mọi ngóc ngách của Trái Đất.
Vi nhựa xâm nhập môi trường đất
Hiện nay, nhựa đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp, từ lớp phủ hạt giống đến màng nilon bảo vệ giúp điều chỉnh nhiệt độ đất và hạn chế cỏ dại phát triển. Ngoài ra, các hợp chất nhựa cũng được sử dụng trong phân bón, cùng với hệ thống tưới tiêu, bao bì đóng gói và chai lọ. Mặc dù những ứng dụng này góp phần nâng cao năng suất cây trồng, nhưng về lâu dài, chúng lại phát tán một lượng vi nhựa đáng kể, gây ô nhiễm môi trường đất. Ước tính có đến 440,900 tấn vi nhựa được sử dụng vào đất ở Liên minh Châu Âu thông qua bùn thải và khoảng 44,000 – 300,000 tấn vi nhựa được đưa vào đất ở Bắc Mỹ hàng năm. Vi nhựa còn được phát hiện trên các cánh đồng không được xử lý bằng phân thải trong suốt 15 năm qua.

Nguồn nước nhiễm vi nhựa nghiêm trọng
Nước thải trong sinh hoạt là một nguồn chứa vi nhựa lớn. Tại các nước Bắc Mỹ, nước thải đã qua xử lý có thể chứa tới 125.000 hạt/m3.
Đại dương cũng đang chịu ảnh hưởng trầm trọng từ vi nhựa. Theo báo cáo của WWF, một số khu vực biển trên thế giới đã ghi nhận nồng độ hạt vi nhựa vượt ngưỡng 121.000 hạt/m3, và con số này vẫn còn tiếp tục tăng theo từng năm. Thậm chí, nếu chúng ta ngưng thải nhựa ra đại dương ngay bây giờ, vi nhựa vẫn sẽ tiếp tục bị phân rã và lượng vi nhựa trong đại dương sẽ tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2050.
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra vi nhựa ở vùng biển sâu nhất của Trái Đất. Nồng độ vi nhựa ở vùng đáy biển sâu từ 6,000 – 11,000 m dao động từ 2 đến 13 mảnh/lít. Các trầm tích biển sâu ở dãy Mariana có nồng độ vi nhựa từ 200 đến 2,200 mảnh/lít, cao hơn so với hầu hết các trầm tích biển sâu khác. Tại độ sâu 10,903 m, nồng độ vi nhựa đạt khoảng 11 mảnh/lít, gấp bốn lần so với nước dưới bề mặt của vùng biển khơi.
“Bụi nhựa” trong không khí
Không khí bị ô nhiễm không chỉ có khói bụi mà còn cả vi nhựa. Các khu vực bị ô nhiễm vi nhựa sẽ xảy ra tình trạng “mưa nhựa”. Theo đó các hạt vi nhựa có thể phát tán trong không khí và rơi xuống mặt đất qua mưa. Nồng độ vi nhựa trong không khí ở các thành phố lớn đang ở mức độ cao.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, gió là nhân tố quan trọng trong việc di chuyển vi nhựa trong không khí qua các khu vực và châu lục khác nhau.

Vi nhựa hiện diện trên đỉnh Everest và ở các dấu tích lịch sử
Vi nhựa còn được tìm thấy ở nơi cao nhất thế giới. Thu thập các mẫu tuyết trên đỉnh Everest, phát hiện nồng độ vi nhựa trung bình từ 3 đến 119 hạt/lít. Các vi nhựa trên Everest chủ yếu bao gồm polyester, acrylic, nilon và polypropylene (PP).
Mới đây nhất, các nhà khoa học đã phát hiện sự ô nhiễm vi nhựa trong một số địa điểm khảo cổ và di tích lịch sử. Cụ thể, khảo sát các mẫu trầm tích khảo cổ tại Yorkshire, Vương quốc Anh cho thấy, nồng độ vi nhựa cao nhất đạt 20,588 mảnh/kg ở độ sâu hơn 7m. Ở một địa điểm khảo cổ khác dưới độ sâu 5m, hàm lượng vi nhựa đạt 5910 mảnh/kg. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Oxford, Vương quốc Anh ghi nhận, nồng độ sợi vi nhựa trên các bức tường cổ của đại học New College lên tới 975.000 sợi/m2.
Cơ thể người bị vi nhựa xâm chiếm
Con người đang hấp thụ 5g nhựa vào cơ thể mỗi tuần, tương đương với 2,000 hạt vi nhựa và bằng một chiếc thẻ ngân hàng. Trung bình hàng năm, con người tiêu thụ khoảng từ 78,000 đến 211,000 hạt vi nhựa. Các hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể thông qua không khí, thậm chí vi nhựa đã có mặt trong cả thức ăn và nước uống.
Vi nhựa trong cơ thể người tích tụ trong gan, phổi, thận và thậm chí ở trong não. Nghiên cứu đã cho thấy, não người tích tụ vi nhụa nhiều hơn gấp 7- 30 lần so với thận và gan. Con người hít phải vi nhựa trong không khí sẽ gây ra những hậu quả tiềm ẩn cho sức khỏe, đặc biệt là những ảnh hưởng đến phổi và hệ hô hấp. Ở phổi, nồng độ vi nhựa được phát hiện với 39 mảnh vi nhựa được tìm thấy trong các mẫu xét nghiệm phổi.

Vi nhựa ẩn nấp trong mọi loại thực phẩm
Từ các món đồ ăn nhanh cho đến những thực phẩm được cho là lành mạnh, tất cả đều chứa vi nhựa. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), vi nhựa có thể xâm nhập vào thực phẩm ở tất cả các giai đoạn sản xuất khác nhau, từ sản xuất chính cho đến chế biến, đóng gói, vận chuyển, phân phối, tiêu dùng và thậm chí cả ở khâu tiêu hủy. Sau khi thu thập báo cáo và kiểm tra hơn 20 loại thực phẩm, kết quả tìm thấy gần 100 loại vi nhựa khác nhau trong thực phẩm. Cụ thể:
- Ở loài cá, hàm lượng vi nhựa dao động từ 0 đến 32 hạt/con, tùy thuộc vào loài cá và khu vực địa lý.
- Hơn 90% muối ăn trên thế giới chứa vi nhựa. Hàm lượng vi nhựa trong muối biển dao động từ 550 đến 681 hạt/kg. Một số kết quả khác thu được hàm lượng vi nhựa trong muối ở Ý là 22-594 MP/kg, trong khi ở Croatia là 13500-19800 MP/kg.
- Nước đóng chai có hàm lượng vi nhựa dao động từ 3.16 x 10 đến 1.1×10 MP/L.
- Trà túi lọc cũng chứa một lượng hạt vi nhựa khổng lồ. Một tách trà pha từ túi lọc có thể chứa khoảng 1,6 tỷ hạt vi nhựa.
- Một số loại rau củ quả như táo, lê, bông cải xanh hay cà rốt đều có chứa vi nhựa
Tác hại của hạt vi nhựa
Hàng thế kỷ trôi qua, vi nhựa vẫn chưa biến mất
Vi nhựa rất khó phân hủy. Bản chất hạt vi nhựa được hình thành do phân tách từ những đồ dùng nhựa, do đó, chúng sẽ có tính chất khó phân hủy như nhựa bình thường. Trung bình, nhựa mất khoảng từ 100 đến 500 để phân hủy hoàn toàn. Một số loại nhựa có thể mất thời gian phân hủy lên đến 1000 năm. Trong thời gian đó, hạt vi nhựa sẽ tồn tại âm ỉ trong môi trường và cơ thể sinh vật, nguy cơ gây ra những tác hại khôn lường.
Cấu trúc đất bị hạt vi nhựa biến đổi
Sự hiện diện của vi nhựa gây ra những tác động tiêu cực đến các đặc tính vật lý, hóa học và sinh học của đất. Vi nhựa làm thay đổi cấu trúc đất, giảm độ xốp, cản trở sự lưu thông không khí, nước và chất dinh dưỡng, gây khó khăn cho sự phát triển của cây trồng. Chúng còn làm giảm khả năng giữ nước của đất, khiến cây dễ bị khô hạn. Ngoài ra, vi nhựa có thể hấp phụ các chất ô nhiễm như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, làm tăng nguy cơ lan truyền độc tố vào chuỗi thức ăn. Vi nhựa cũng gây hại cho sinh vật đất, như giun đất và các vi sinh vật có lợi. Chúng có thể bị tắc nghẽn đường tiêu hóa khi nuốt phải vi nhựa, hoặc bị xáo trộn các hoạt động sinh lý, ảnh hưởng đến quá trình phân hủy và chu trình dinh dưỡng.
Hạt vi nhựa gây tổn hại sinh vật
Nhiều loài động vật, bao gồm chim, cá, chuột, giun đất,… đã được nghiên cứu và phát hiện có vi nhựa trong cơ thể. Hạt vi nhựa gây rủi ro và tổn thương cho sức khỏe động vật theo nhiều cách khác nhau. Ở một số loài, vi nhựa gây tắc nghẽn đường tiêu hóa. Khi động vật nuốt phải vi nhựa, các hạt này có thể tích tụ trong dạ dày và ruột, làm gián đoạn quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng. Một nghiên cứu về phơi nhiễm vi nhựa ở động vật cho thấy, ở loài tôm hùm Na Uy, vi nhựa polypropylene (PP) tích tụ trong hệ tiêu hóa suốt 8 tháng, làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, dẫn đến sụt cân và giảm lượng thức ăn tiêu thụ.
Một số vi nhựa sắc nhọn hoặc có hình dạng không đều có thể làm rách niêm mạc ruột, gây chảy máu, viêm nhiễm và hoại tử cho động vật. Vi nhựa còn là tác nhân gây tổn thương tế bào, đột biến ADN, rối loạn và suy giảm miễn dịch ở cơ thể động vật.
Tăng trưởng thực vật bị hạt vi nhựa kìm hãm
Nghiên cứu khoa học mới đây nhất đã khẳng định, vi nhựa làm giảm hiệu suất quang hợp ở cây trồng. Quang hợp là quá trình then chốt giúp cây trồng tạo ra năng lượng. Bất kỳ sự suy giảm nào trong quá trình này đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Các nhà khoa học đã thu thập 3,000 mẫu dữ liệu, kết quả cho thấy, việc tiếp xúc với vi nhựa làm giảm quang hợp từ 7.05% đến 12.12% ở các loại thực vật trên cạn, tảo biển và tảo nước ngọt. Riêng đối với thực vật trên cạn, mức giảm trung bình là 12.12%
Một trong những cơ chế chính mà vi nhựa gây hại cho quang hợp là thông qua việc làm giảm hàm lượng diệp lục trong lá cây. Nghiên cứu ước tính rằng vi nhựa có thể làm giảm hàm lượng diệp lục ở thực vật trên cạn từ 5.63% đến 17.42%.
Sự suy giảm quang hợp do vi nhựa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của từng cây mà còn kéo theo những hệ lụy to lớn đối với sản lượng lương thực trên quy mô toàn cầu. Nghiên cứu ước tính rằng vi nhựa gây ra mức giảm từ 4.11% đến 13.52% trong sản lượng các loại cây trồng chính như lúa, mì và ngô, tương đương với thiệt hại hàng năm từ 109.73 đến 360.87 triệu tấn.
Ví dụ, ở cây ngô, vi nhựa có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa tăng trưởng và khả năng phòng vệ, làm giảm sự phát triển của cây.
Những tổn thất sản lượng cây trồng do vi nhựa gây ra đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Nghiên cứu cảnh báo nguy cơ nạn đói trên thế giới do tác động của vi nhựa đến sản xuất lương thực.

Hiểm họa sức khỏe đến từ vi nhựa
Sự tích tụ vi nhựa trong cơ thể đang làm dấy lên các mối lo ngại nguy hiểm về sức khỏe con người. Nghiên cứu của Marfella và các cộng sự đã tìm thấy sự liên hệ giữa vi nhựa và các bệnh nhân bị xơ vữa động mạch. Kết quả phân tích sơ bộ trên 100 bệnh nhân cho thấy, 61 bệnh nhân nhiễm hạt vi nhựa trong mảng xơ vữa động mạch. Nhóm bệnh nhân này có nguy cơ gặp biến cố cao hơn 2.1 lần so với những bệnh nhân không nhiễm vi nhựa.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa vi nhựa với các bệnh liên quan đến trí nhớ như Alzheimer. Các mẫu não từ những người được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ có nồng độ hạt nhựa tổng cộng cao hơn đáng kể so với não của người bình thường.
Nghiên cứu trên tạp chí khoa học Environmental Research thực hiện trên các công nhân trong công việc sản xuất, môi trường làm việc tiếp xúc nhiều với nhựa đã chỉ ra rằng: việc hít phải bụi nhựa và sợi tổng hợp có thể dẫn đến các bệnh phổi như viêm phổi quá mẫn và các triệu chứng hô hấp. Một nhân viên 46 tuổi của một xưởng sản xuất du thuyền đã phát hiện triệu chứng bị khó thở, tức ngực và ho cả ngày lẫn đêm, tình trạng này đã tiến triển trong hai tháng.
Không những vậy, vi nhựa có thể là nguồn lây nhiễm vi-rút và vi khuẩn nguy hiểm. Vi khuẩn đang có xu hướng trú ẩn trên các mảnh vi nhựa, đi vào cơ thể con người thông qua thực phẩm và nước uống. Những vi khuẩn này mang theo mầm bệnh, gây nguy cơ phát tán bệnh dịch nguy hiểm cho con người.
Tuy chưa được kiểm chứng rõ ràng về độ độc hại, nhưng các kết quả phân tích trên có thể là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo về mức độ gây hại của vi nhựa lên sức khỏe con người.

Giảm thiểu tác hại của hạt vi nhựa
Thói quen nào đang vô tình khiến bạn hấp thu vi nhựa nhiều hơn?
Ngoài việc bị phơi nhiễm vi nhựa từ môi trường bên ngoài, con người cũng đang chủ động nạp vi nhựa vào cơ thể mà không hề hay biết. Chỉ một hành động nhỏ thường ngày cũng có thể vô tình khiến chúng ta nạp nhiều vi nhựa hơn.
Nếu bạn thường xuyên thưởng thức trà túi lọc thì rất có thể bạn đang nạp vào cơ thể 11.6 tỷ hạt vi nhựa cho mỗi lần uống. Trong một nghiên cứu được đăng trên trang Environmental Science & Technology cho biết, việc ngâm một túi lọc trà pha ở nhiệt độ cao (95°C) sẽ giải phóng khoảng 11,6 tỷ hạt vi nhựa và 3,1 tỷ hạt nhựa nano vào tách trà.

Rất nhiều người có thói quen tái sử dụng chai nhựa để đựng nước uống nhằm tiết kiệm. Tuy nhiên, uống nước lọc từ chai nhựa cũng rất dễ nạp vi nhựa vào cơ thể. Trung bình, một lít nước đóng chai có thể chứa khoảng 240.000 hạt vi nhựa.
Một hành động tưởng như bình thường nhưng lại đang vô tình giải phóng vi nhựa nhiều hơn: đóng mở nắp chai nhiều lần. Nghiên cứu của Agir pour l’environnement đã chứng minh, việc đóng mở nắp chai nước nhựa nhiều lần có thể khiến hàm lượng vi nhựa trong đồ uống tăng lên từ 10 đến 13 lần. Nguyên nhân được cho là do sự hao mòn của nắp chai, giải phóng vi nhựa vào nước uống.
Ngay cả việc nấu ăn cũng không khiến chúng ta thoát khỏi vi nhựa. Đồ dùng nhà bếp chống dính như chảo, xoong, nồi đang được cho là nguồn phát tán vi nhựa khổng lồ vào thực phẩm. Nghiên cứu từ Đại học Newcastle và Flinders cho thấy, một lớp phủ chống dính bị trầy xước có thể giải phóng tới 2,3 triệu hạt vi nhựa, ngay cả vết nứt nhỏ cũng có thể làm rò rỉ tới 9.100 hạt.
Việc hâm nóng thực phẩm trong hộp nhựa bằng lò vi sóng cũng có thể giải phóng lượng vi nhựa và hạt nhựa nano cao hơn đáng kể so với khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng.
Những thói quen tưởng chừng nhỏ bé, vô hại lại đang vô tình khiến chúng ta bị vi nhựa xâm nhập nhiều hơn. Điều này đặt ra mối lo ngại to lớn về sức khỏe con người, đòi hỏi chúng ta cần có những hành động tích cực nhằm hạn chế vi nhựa.
Phương pháp giảm thiểu vi nhựa
Giảm thiểu vi nhựa không chỉ giúp chúng ta có một lối sống xanh bền vững mà còn hạn chế việc nạp vi nhựa vào cơ thể, ngăn chặn các tác hại khó lường của chúng cho con người và hệ sinh thái.
Một số phương pháp đơn giản sau đây có thể thực hiện ngay tại nhà, giúp bạn giảm được đáng kể sự phát tán của hạt vi nhựa.
Phương pháp 1: Đun sôi nước trước khi sử dụng.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Environmental Science & Technology Letters, việc đun sôi nước có thể loại bỏ đến 80% hạt vi nhựa trong nước. Duy trì thói quen uống nước đun sôi không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn mà còn là một bước quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm vi nhựa hàng ngày.
Duy trì thói quen uống nước đun sôi không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn mà còn là một bước quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm vi nhựa hàng ngày.

Phương pháp 2: Hạn chế sử dụng máy sấy quần áo – Ưu tiên phơi đồ thủ công.
Máy sấy quần áo thải ra lượng vi sợi nhựa cao hơn gấp 40 lần so với máy giặt. Cụ thể, một máy sấy quần áo có thể giải phóng 433.128 đến 561.810 sợi nhỏ chỉ trong 15 phút sử dụng. Một máy sấy quần áo gia đình có thể thải ra tới 120 triệu sợi nhỏ vào không khí mỗi năm. Việc hạn chế sử dụng máy sấy và ưu tiên phơi quần áo sẽ giảm thiểu lượng vi sợi nhựa bay vào không khí, giúp chúng hấp thụ ít vi nhựa hơn khi hít thở.
Phương pháp 3: Dọn nhà và hút bụi thường xuyên
Không gian sống trong nhà cũng là một nơi chứa nhiều vi nhựa. Một khảo sát được thực hiện tại Úc đã hé lộ sự hiện diện đáng kể của vi nhựa ở trong nhà.Theo nghiên cứu này, khoảng 39% lượng bụi trong nhà được tạo thành từ hạt vi nhựa. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, sàn trải thảm chứa lượng bụi nhựa cao hơn đáng kể so với sàn cứng, làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi nhựa. Để giảm thiểu lượng vi nhựa này, các chuyên gia khuyến nghị nên thường xuyên hút bụi và lau dọn nhà ít nhất một lần mỗi tuần, đồng thời ưu tiên sàn nhà nền cứng như gạch, gỗ thay vì thảm.
Phương pháp 4:Ngưng sử dụng nhựa 1 lần
Đồ dùng nhựa 1 lần như chai nước, cốc nhựa, túi nilon đang vô cùng phổ biến vì mức độ tiện lợi cũng như giá cả phải chăng. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên, chúng ta đang âm thầm hấp thụ vi nhựa vào cơ thể. Thậm chí, một số loại nhựa còn sản sinh ra hóa chất độc hại trong quá trình đựng thực phẩm nóng hay dầu mỡ. Việc ngừng sử dụng các sản phẩm nhựa 1 lần không chỉ bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ bản thân, giúp chúng ta chủ động tránh được những tác hại của hạt vi nhựa.
Phương pháp 5: Chuyển đổi tiêu dùng xanh
Ngoài việc chúng ta có thể hướng đến một lối sống xanh bền vững bằng cách chủ động chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên. Các sản phẩm bảo vệ môi trường có thành phần từ tự nhiên như gỗ, tre, nứa, hoặc là sản phẩm phân hủy sinh học, không để lại vi nhựa sau khi sử dụng.
Sản phẩm phân hủy sinh học – giải pháp giải quyết tác hại của hạt vi nhựa
Trong bối cảnh vi nhựa đang âm thầm len lỏi vào mọi ngóc ngách của hành tinh, việc nâng cao nhận thức về tác hại của chúng và từng bước chuyển sang lối sống xanh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Một trong những hướng đi tích cực là thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống, bằng cách lựa chọn sản phẩm phân hủy sinh học thân thiện với môi trường.
Sản phẩm phân hủy sinh học S4N ra đời như một giải pháp bền vững, giúp giảm thiểu lượng vi nhựa thải ra môi trường. Các sản phẩm của S4N được nghiên cứu và phát triển bởi trường Đại họa Khoa học Tự nhiên, với thành phần 100% có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn – không để lại vi nhựa, đảm bảo tính an toàn, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Vi nhựa đang ngày càng xâm chiếm hành tinh của chúng ta với những tác hại vô cùng nguy hiểm. Thực tế đáng báo động này đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay lập tức. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm sử dụng nhựa dùng một lần, lựa chọn các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, thúc đẩy tái chế và nâng cao nhận thức cộng đồng là những giải pháp thiết thực để hạn chế ô nhiễm vi nhựa. Mỗi hành động nhỏ hôm nay sẽ góp phần bảo vệ tương lai của chính chúng ta và các thế hệ sau.